Kể Chuyện Thông Qua Dữ Liệu của tác giả Cole Nussbaumer Knaflic là một trong những cuốn sách bán chạy nhất về chủ đề storytelling, mình đọc vì nó quá nổi tiếng nhưng điều giữ tay mình lật mở đến trang cuối cùng chính là cách viết lôi cuốn của tác giả cũng như cách giải thích cặn kẽ, chi tiết về cách giao tiếp hiệu quả khi làm việc với data, từ cách chọn lựa biểu đồ sao cho hợp lý và những lỗi cần tránh khi trực quan hóa số liệu để giúp truyền tải thông điệp rõ ràng hơn đến người đọc.

Storytelling with data

Điểm mình thích ở quyển sách này

  • Chủ đề này rất dễ giải thích lan man khiến người đọc khó hiểu, nhưng tác giả đã giải thích rất ngắn gọn, dễ hiểu và cũng hài hước nữa, nhờ vậy mà mình nhớ kiến thức được lâu hơn, nhất là cái đoạn tác giả cảm thán về pie chart =))))
  • Một điều quan trọng mà mình cần biết là tại sao nên dùng chart này mà không phải chart kia, có thể làm gì để khiến việc kể chuyện của mình truyền tải đúng insight, cũng như dễ hiểu cho người đọc nhất có thể, thì mình thấy quyển sách này đã làm rất tốt điều đó.
  • Bố cục cuốn sách cũng rất logic, đi từ giới thiệu tổng quan đến chi tiết từng phần một, cũng như các suy nghĩ khi giải quyết các case-study điển hình, vì vậy mình không hiểu vẹt mà còn hiểu để đến được storytelling cuối cùng, tác giả cũng trải qua rất nhiều bước phân tích, đánh giá khác nhau, vì vậy mình thấy dễ ngấm và gần gũi hơn.

Cuốn sách này dùng Excel để minh họa ví dụ nhưng không có hướng dẫn step-by-step

  • Tác giả sử dụng Excel để tạo nên các ví dụ trong quyển sách này nhưng khi nhìn nó, mình vẫn thấy được sự chuyên nghiệp, chỉn chu và ý đồ của tác giả. Những kiến thức này vẫn có thể áp dụng khi sử dụng các phần mềm khác như Power BI, Tableau, thậm chí là Python nhé.
  • Không có hướng dẫn từng bước cách thực hiện trong Excel như thế nào, nếu bạn chưa biết cách làm bạn có thể google nhé, không khó đâu.

Ba điều mình học được nhiều nhất từ quyển sách này

  1. Chọn lựa đúng chart: Không nhất thiết một report, dashboard phải bao gồm đa dạng các loại biểu đồ khác nhau, quan trọng nhất là mỗi biểu đồ đều truyền tải đúng, đủ cũng như dễ hiểu nhất cho người đọc.
    Trước đây mình hay thích dùng pie chart với bar chart, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy chúng nó nhàm chán quá, mình đọc đến chương này thì tác giả đã trả lời câu hỏi của mình luôn, không phải nhàm chán hay không, mà là mục đích cuối cùng mình muốn truyền tải thông điệp gì thông qua biểu đồ đó.
  2. Kẻ thù là sự lộn xộn: Có rất nhiều râu ria được “tặng kèm miễn phí” khi chúng ta vẽ một biểu đồ, ví dụ như: text trục tung, text trục hoành, quá nhiều số liệu hiển thị trên một biểu đồ… nếu là trước đây, mình cũng thấy nó rối và xấu thật nhưng mình sẽ phớt lờ nó, nhưng sau khi đọc quyển sách này, mình lại loại bỏ tụi nó để biểu đồ của mình trông rõ ràng, sáng sủa, hạn chế những yếu tố gây nhiễu.
  3. Giải quyết Case-study: Đây là phần mà tác giả sẽ trình bày về cách suy nghĩ từng bước một, không phải đùng một cái mà tác giả vọt được đến phương án storytelling cuối cùng, mà phải thông qua nhiều bước làm – thử cách khác – cải thiện… thì mới ra được storytelling cuối cùng, tóm lại là càng làm sẽ càng có kinh nghiệm.

Một vài cuốn sách mà tác giả đã recommend

  • Show me the numbers – tác giả Stephen Few: đọc để hiểu nhiều hơn về cách thiết kế một table như thế nào là tối ưu.
  • Data Points – tác giả Nathan Yau.

Một vài thông tin khác

Nếu bạn mới nhập môn ngành phân tích dữ liệu hay đã làm lâu rồi thì mình đều cực kì cực kì giới thiệu bạn nên đọc cuốn sách hay ho này nhé, bạn mình nói cuốn sách này khá basic, nhưng với mình thì nó như mở ra một “chân trời mới” vậy, mỗi lần trực quan mà bí quá mình vẫn mở ra đọc lại để tìm kiếm các ý tưởng mới, rất hiệu quả đó.

Sau cuốn này, giờ mình đang đọc cuốn sách Storytelling With Data: Let’S Practice! – Thực Hành Kể Chuyện Thông Qua Dữ Liệu!, đây là cuốn sách chuyên về thực hành với nhiều các ví dụ khác nhau để cho mình tự trực quan hóa số liệu, sau đó tác giả mới giải thích cách làm của cô ấy, mình thấy khá thú vị vì vậy sẽ dành nhiều thời gian “vọc vạch” nó hơn. Nhưng cuốn sách này khá dày, nên mình đọc chắc hơi lâu, sau khi hoàn thành mình sẽ viết bài review sau hen.

Storytelling With Data: Let’s Practice!

Cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Hẹn gặp lại trong các bài viết sau. Hãy like bài viết nếu các bạn thấy hữu ích nhé.